Người dân gieo trồng ở khu vực đất bán ngập tại lòng hồ thủy điện Plei Krông.

Tận dụng nước rút để tăng thu nhập

Xã Diên Bình (huyện Đăk Tô, Kon Tum) có diện tích đất bán ngập lên đến hàng trăm héc-ta. Trong những năm qua, địa phương luôn quan tâm, vận động nhân dân tận dụng diện tích đất bán ngập khi nước rút đưa vào sản xuất.

Vì vậy mỗi năm nhiều héc-ta đất được gieo trồng các loại cây ngắn ngày như mì, bắp, lúa nước… Qua đó đã góp phần đáng kể vào việc tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân. Đồng thời giảm áp lực về đất sản xuất và tình trạng chặt, đốt, phá rừng làm nương rẫy trái phép.

Hàng năm, khi nước ở lòng hồ thủy điện Plei Krông rút xuống mức an toàn, ông Huỳnh Ngọc Hoàng (thôn 1, xã Diên Bình) lại gieo giống lúa Đài Thơm 8.

Ông Hoàng bảo rằng, nước rút, lượng phù sa màu mỡ, cùng với việc chăm sóc kĩ lưỡng nên cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Với diện tích 5.000m2, mỗi vụ lúa gia đình ông thu hoạch được khoảng hơn 3 tấn.

“Giá lúa Đài Thơm 8 đang được thương lái thu mua với giá 10.000 đồng/kg. Do đó, vụ lúa năm nay mang lại thu nhập tốt cho gia đình.

Chính vì vậy, những năm sau tôi sẽ tiếp tục tận dụng nguồn dinh dưỡng sẵn có ở đất để trồng lúa, mang lại thu nhập ổn định”, ông Hoàng chia sẻ.

Tương tự, 4 năm qua, cứ vào dịp nước rút bà Ngô Thị Hường lại xuống giống trồng đậu phộng.

Bà Hường cho hay, cây đậu phộng rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở đây, đặc biệt là ở khu vực bán ngập. Bởi vùng đất này khá màu mỡ, tơi xốp nên đậu phộng phát triển rất tốt, mang lại năng suất cao.

“Cây đậu phộng sinh trưởng và phát triển rất tốt. Bên cạnh đó, ít tốn công chăm sóc khi mỗi vụ chỉ tưới khoảng 3-5 lần. Với diện tích 5.000m2 đậu phộng mỗi năm tôi thu hoạch được khoảng 1,5 tấn tươi.

Giá bán 20.000-22.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình thu về hơn 30 triệu. Số tiền này giúp gia đình trang trải cuộc sống, bớt khó khăn hơn. Song song với việc phát triển kinh tế, tôi cùng bà con còn chú ý diệt trừ cây mai dương để tránh ảnh hưởng đến lòng hồ”, bà Hường tâm sự.

Còn ông Trần Minh Tâm (thôn 8) lại xuống giống trồng mì trên diện tích 5.000m2 đất bán ngập. Nhờ lượng phù sa màu mỡ, ít sâu bệnh hại nên mỗi năm ông thu về khoảng 30 tấn mì, gần 90 triệu đồng.

Dù vậy nhưng khâu chọn, xuống giống và chăm sóc luôn được ông tìm hiểu, học hỏi từng công đoạn. Nhờ vậy, ông là một trong những hộ gia đình có nguồn thu nhập ổn định, đời sống ngày càng được nâng cao.

"Bà con tận dụng nguồn đất vùng bán ngập này để trồng trọt nên mang lại rất nhiều hiệu quả về kinh tế. Chính quyền địa phương cũng thường xuyên quan tâm, tuyên truyền về các loại cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên năng suất rất ổn định", ông Tâm nói.

Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Ông Huỳnh Ngọc Hoàng gieo giống lúa Đài Thơm 8 mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Ông Thái Ngọc Châu - Phó chủ tịch UBND xã Diên Bình cho biết, địa phương có 335,6ha đất bán ngập lòng hồ thủy điện Plei Krông. Trong đó, có 69,25ha được bà con tận dụng để trồng các loại cây như lúa, mì, ngô, đậu.

Để sử dụng quỹ đất này hiệu quả, chính quyền địa phương chủ động phối hợp với đơn vị quản lý, điều hành công trình thủy điện. Từ đó, đưa ra những thông báo về thời gian điều tiết mực nước để người dân biết, chủ động tổ chức canh tác cây trồng phù hợp.

Theo ông Châu, mỗi vụ canh tác ở khu vực đất bán ngập kéo dài từ 4-6 tháng. Khi nước ở lòng hồ thủy điện Plei Krông rút xuống người dân tận dụng nguồn phù sa màu mỡ để xuống giống.

Do đặc thù việc sản xuất trên vùng bán ngập, phải tranh thủ tối đa thời gian đất trống. Vì vậy khi nước rút đến đâu, chính quyền xã luôn vận động người dân, khẩn trương làm đất, tập trung gieo trồng ngay đến đó để đảm bảo mùa vụ.

Nhờ chọn lựa thời điểm xuống giống, cây trồng phù hợp nên năng suất và chất lượng khá cao. Từ đó, giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định, thoát khỏi đói nghèo.

Ông Châu cũng cho hay, để đảm bảo an toàn cho người dân khi gieo trồng, địa phương thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở bà con phải đảm bảo an toàn. Đồng thời, không tự ý san ủi làm ảnh hưởng đến lòng hồ và chú trọng thực hiện công tác bảo vệ môi trường, diệt trừ các loại cây gây hại đến lòng hồ, nhất là cây mai dương.

Những năm qua, qua kiểm tra việc gieo trồng, thu hoạch cây trồng xã Diên Bình nhận thấy bà con thực hiện khá tốt các nội dụng được tuyên truyền, phổ biến. Bên cạnh đó, người dân cũng tích cực lao động sản xuất, đem lại nguồn thu nhập đáng kể từ sản xuất trên diện tích bán ngập.